Có gì mới?
DIỄN ĐÀN GAME VIỆT HÓA - THE RED TEAM

Đăng ký hoặc đăng nhập để có thể thảo luận, chia sẻ và nhắn tin riêng với các thành viên khác trong diễn đàn.

REVIEW Phân Tích Plot Armor của The Dark Pictures Anthology Season 1.

AalisElfleda

Hlnvgsrmt drxpvw gsrh dzb xlnvh.
Dịch Giả
Tham gia
5/3/24
Bài viết
14
Lượt thích
2
Điểm
3
173

Lưu ý: có spoiler nên mọi người chơi hết 4 game trước rồi hẵn đọc nhé.
Giờ chắc hẳn các bạn đã chơi hết 4 phần game của The Dark Pictures Anthology: Season 1. Vậy mọi người có biết plot armor được vận dụng thế nào xuyên suốt cả Season 1 này không, cùng mình phân tích nhé.

I. Những Điều Cơ Bản:

Từng phần game trong tuyển tập này gồm có 5 nhân vật chính (hay còn gọi là playable character), và số mệnh của những người này, sống hay chết, đều tùy thuộc vào lựa chọn và hành động của người chơi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chết ở bất cứ thời điểm nào câu chuyện đang diễn ra, bởi vì có 3 điều luật xuyên suốt mà cả 4 game bắt buộc phải tuân theo (có thể thay đổi khi sang season 2):

Luật 1: Chỉ 1 trong 5 nhân vật được chỉ định là người có thể chết ở hồi 1.
Ví dụ như: Conrad ở Man of Medan, Angela ở Little Hope, Eric ở House of Ashes và Erin ở The Devil in Me.

Luật 2: Chỉ duy nhất 2 nhân vật có khả năng chết ở hồi 2.
Theo lý thuyết thì bất kỳ tổ hợp 2 nhân vật trong bộ 5 đều cũng có 'cơ hội' để bay vào dĩ vãng nhưng thực tế thì không như vậy, mình sẽ đi vào luật này rõ hơn khi đi phân tích vào từng tựa game về sau.
Hiện tại The Devil in Me đã phá luật này, bằng cách cho phép đến tận 3 nhân vật có thể bay màu ở cuối hồi 2. Nên trong những tựa game tương lai, luật này khả năng sẽ thay đổi qua lại giữa 2 và 3 người. Tuy nhiên, không bao giờ được phép quá số 3 vì có liên quan mật thiết đến điều luật tiếp theo dưới đây…

Luật 3: Bắt buộc phải có 2 nhân vật sống sót đến cuối game
Cuối game ở đây, ý mình là chương cuối cùng của câu chuyện hay còn gọi là ‘phân cảnh kết truyện’. Mỗi khi người chơi phải làm QTEs hoặc đưa ra lựa chọn, lúc nào cũng phải có ít nhất 2 nhân vật hiện hữu.
Sở dĩ luật lệ này sinh ra là vì chế độ Shared Story (Câu Chuyện Chung) của game. Tóm tắt thì chế độ này là chơi co-op online cho hai người, và cả hai sẽ điều khiển hai nhân vật khác nhau cùng lúc xuyên suốt mạch truyện, nên giả sử 4 nhân vật đã chết trước hồi 3, thì không lẽ người chơi 1 điều khiển người duy nhất còn sống, và người chơi 2 chỉ ngồi chơi xơi nước? Vì thế cá nhân mình nghĩ luật số 3 này sẽ không bao giờ thay đổi cho những phần game sau.

Và bây giờ chúng ta sẽ cùng đến với phần thuật ngữ mình sẽ dùng trong bài nào:

1. Sổ tử: đơn giản chỉ là một danh sách chứa tên những nhân vật có thể tèo. Như vậy ở đầu mạch truyện, thì sổ này không có một cái tên nào cả. Và tới cuối mạch truyện, cả 5 nhân vật đều có tên trên cuốn sổ thần thánh này.
Có hai điều quan trọng cần lưu ý về sổ tử này:
- Thêm tên 1 nhân vật vào sổ tử là một việc cực kỳ tốn công, vì những phân cảnh sau đó, biên kịch lúc nào cũng phải giả sử nhân vật kia đã chết và viết ra một nhánh đi khác cho câu chuyện.

- Khi đã giải quyết vấn đề nan giải ở trên xong, người nào đã có tên trên sổ tử thì biên kịch sẽ cố ném đủ mọi chướng ngại, hiểm nguy vào mặt nhân vật đó đến khi nào chết mới thôi, đồng thời tăng tính kịch tính cho toàn bộ câu chuyện. (Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thế, mình sẽ bàn vào chi tiết này sau)

2. Plot Armor: Những nhân vật có plot armor, cũng có thể gọi là 'kim bài miễn tử'. Những nhân vật này sẽ không thể chết cho tới cuối hồi 3 (hay nói cách khác 20-30 phút cuối game).
Ví dụ: Man of Medan không có; Little Hope là John và Andrew; House of Ashes là Nick, Jason và Salim; The Devil in Me là Mark.

3. Chiếc Ô Plot Armor: Là một thuật ngữ tự tạo ra nhằm để chỉ những nhân vật không có plot armor, và có khả năng bỏ mạng đâu đó ở Hồi 1 hoặc Hồi 2. Nhưng khi ghép chung một nhân vật CỤ THỂ nào đó, nhân vật này mang trên người 'Ô Plot Armor',
Để cho dễ hình dung, thì giả sử nhân vật A và nhân vật B đều có chiếc Ô Plot Armor. Nhân vật A có thể chết ở đầu cuối hồi 2, còn nhân vật B có thể bay màu ở giữa hồi 2. NẾU nhân vật A đã chết ở đầu hồi 2, thì nhân vật B sẽ an toàn sống sót qua giữa hồi 2 vì hiện tại B là người duy nhất cầm chiếc Ô; ngược lại, nếu B đã chết ở giữa hồi 2 thì A không thể chết ở cuối hồi 2 được. Đoạn này tý nữa mình sẽ ví dụ từng game để dễ hiểu hơn.

4. Nghẽn Cổ Chai: Tương tự như chiếc ô ở trên nhưng thay vì nhân vật không thể tạch do phụ thuộc vào sống chết của nhân vật khác, tình huống Nghẽn Cổ Chai xảy ra bởi vì nhân vật phải tuân theo luật số 2 và số 3.
Ví dụ như bạn đã để 3 nhân vật bất kỳ trong nhóm 5 người bay màu trước khi kết thúc hồi 2, thì 2 nhân vật còn lại sẽ sống cho tới chương cuối của câu chuyện, tất cả những cảnh mà 2 người kia có thể chết đều bị 'nghẽn cổ chai' và game bỏ qua luôn, nhằm để tuân theo luật 3.


II. Phân Tích Từng Tựa Game:


1. Man of Medan
Man of Medan là game duy nhất hiện tại của Supermassive mà cả 5 nhân vật (playable character) đều không có plot armor.

Và Conrad chính là người đầu tiên được ghi tên vào sổ tử ở phân cảnh Cuộc Xâm Nhập (Intrusion). Trong phân cảnh này cậu ta có cơ hội trốn thoát bọn cướp biển bằng chiếc ca nô. Cậu ta có thể bị bắn chết trong quá trình chạy trốn đó, nhưng nếu Conrad thoát được, thì cậu biến mất khỏi game hoàn toàn cho tới tận hồi kết của câu chuyện. Nhưng nếu Conrad không chọn đi theo nhánh thoát bằng ca nô, mà chọn ở lại với cùng cả nhóm, thì ngay từ khoảnh khắc này trở đi Conrad sẽ phải đối mặt với vô vàn tình huống có thể tiễn cậu lên bàn thờ.

Giờ qua Hồi 2 nào, hai cái tên tiếp theo phải vào sổ tử chính là Fliss và Brad. Tại phân cảnh 'Nghi Thức' (Ritual), Fliss và Brad tàn sát lẫn nhau dẫn đến việc cả hai đều phải lên bảng đếm số. Cái chết của hai nhân vật này phải tuân theo hai điều kiện: (1) Brad và Fliss vẫn còn chịu ảnh hưởng của Vàng Mãn Châu; (2) Fliss có dao trong tay, hoặc Brad có chiếc cờ lê trong tay. Sau đó, tùy theo QTEs và nhân vật chúng ta đang điều khiển, thì Brad có thể dùng cờ lê đánh vào đầu Fliss, hoặc Fliss có thể dùng dao đâm thẳng vào bụng Brad. Tuy nhiên, nếu như thỏa mãn điều kiện Fliss và Brad đều còn tỉnh táo thì cả hai sẽ mở ra một phân cảnh ẩn gọi là 'Áp Lực' (Pressure). Tại phân cảnh này, chỉ một trong hai nhân vật phải chết đuối bởi vì người còn lại cần phải xuất hiện trong phân cảnh tiếp theo, đó chính là phân cảnh 'Cô Nàng Quyến Rũ' (Glamour Girl). Nhân vật sống sót sau phân cảnh 'Áp Lực' sẽ truy đuổi Conrad (hoặc là cả Fliss và Brad luôn nếu như thỏa mãn một vài điều kiện nhỏ khác). Ngay tại phân cảnh này, cả 3 người đều có khả năng tạch.

Nhưng chúng ta hãy cùng xem lại Luật 2 mình đã nêu ở trên. Man of Medan chỉ cho phép tối đa 2 nhân vật bay màu tại hồi 2. Phân cảnh ‘Cô Nàng Quyến Rũ’ xảy ra KHI VÀ CHỈ KHI: (1) Conrad không trốn thoát bằng tàu ca nô; (2) hoặc Brad, hoặc Fliss đã đi ngắm gà ở phân cảnh 'Áp Lực'. Theo như sự chi phối của Luật 2, game sẽ mặc định một nhân vật phải chết tại phân cảnh này. Thế nên, mặc dù Brad, Fliss và Conrad có nhiều cách chết khác nhau trong ‘Cô Nàng Quyến Rũ', nhưng tính tới thời điểm hiện tại của cốt truyện thì game chỉ cho phép có thêm 1 người chết nữa thôi. Nếu Brad/Fliss/Conrad chết thì phân cảnh này sẽ lập tức kết thúc.
Tóm tắt lại: đến đây, 2 trong 3 người: Fliss, Conrad, Brad sẽ vinh dự có tên trong sổ tử. Fliss hoặc Brad có khả năng rời tàu chung trong ‘Nghi Thức’. Nếu mở được phân cảnh 'Áp Lực' và cứu sống được 1 trong 2, người còn lại hoặc Conrad có thể chết trong ‘Cô Nàng Quyến Rũ’.

Và giờ đến phân cảnh cuối hồi 2, đó là 'Trả Thù' (Revenge), đây cũng là chiếc ô plot armor đầu tiên: Conrad, Alex và Julia.
Tại phân cảnh ‘Trả Thù’, Alex và Julia bị Olson truy đuổi, một trong hai nhân vật có khả năng chết dưới tay Olson. Nhưng vì 'Trả Thù' vẫn còn trong hồi 2, nên cặp đôi này lẫn Conrad đều cầm trên tay hai chiếc ô plot armor. Nghĩa là nếu Conrad đã chết trước đó thì Alex và Julia kiểu gì cũng sẽ sống, hay nói cách khác, QTEs và lựa chọn có khả năng dẫn đến cái chết của cả hai đã bị ‘nghẽn cổ chai’. Phải thừa nhận rằng Man of Medan đã áp dụng cái ô này rất mượt mà. Nếu Conrad đã chết, thì khi Julia/Alex xông lên, mở toang cánh cửa thì không có Conrad đứng chặn đường họ. Ngược lại nếu Conrad còn sống, thì cậu sẽ chặn đường cả hai người, và nếu Alex hoặc Julia không hoàn thành được QTEs thì Olson sẽ chộp lấy một trong hai. Nếu Fliss và Brad đã chết thì Conrad sẽ không chặn đường Alex và Julia nhằm thỏa mãn luật 2.

Tổng kết hồi 2, 2 nhân vật bất kỳ trong nhóm 5 người có thể chết ngoại trừ cặp: Conrad và Julia, Conrad và Alex, Alex và Julia (Vì 3 người này đang cầm 2 chiếc ô plot armor).

Giờ chúng ta hãy tới hồi 3, chỉ có hai phân cảnh mà nhân vật của chúng ta đối mặt với tình tiết dẫn đến cái chết, đó là ‘Junior’ và ‘Tràn Ngập’(Flooded)/’Nỗi Lòng Con Tim’(Matter of The Heart).

Ngay tại đầu hồi 3, hai nhân vật - bất kể cặp nào trong nhóm Alex, Julia, Fliss và Brad (Conrad thì do bị chấn thương nên không đi cùng được) - sẽ xuống dưới tàu để tìm máy phát điện. Ngay tại cuối chuyến hành trình, cả hai sẽ chạm mặt Junior, dí súng thẳng vào cả hai. Tùy theo lựa chọn, Junior sẽ bắn chết một trong hai nhân vật của chúng ta. Tại sao chỉ giết 1 trong 2? Đó là vì điều luật 3: có 2 nhân vật phải sống tới cuối game. Vào cuối hồi 2, nếu chúng ta đã giết 2 nhân vật thì ngay tại phân cảnh này, game chỉ cho phép có thêm 1 người chết và để 2 nhân vật còn lại sống sót cho hồi kết của game. 2 nhân vật đấy có thể là bất cứ ai trong nhóm 5 người này trừ Fliss và Brad, dĩ nhiên Fliss và Brad có thể xuất hiện trong phân cảnh cuối cùng đó. Nhưng nếu thế thì hai người không phải là nhân vật duy nhất còn sống, vì theo bản chất chiếc ô plot armor đã nêu trên, 1 trong nhóm 3 người: Conrad, Julia và Alex, chắc chắn sẽ sống tới phân cảnh cuối cùng của câu chuyện.

Man of Medan có tận 3 phân cảnh kết truyện: đó là ‘Tràn Ngập’ và ‘Nỗi Lòng Con Tim’.

Phân tích ‘Nỗi Lòng Con Tim’ trước, phân cảnh này chỉ diễn ra khi Alex chọn ở lại phòng radio cùng một người khác và và bắt buộc ở đầu hồi 3 phải có ít nhất 4 người còn sống sót. Lưu ý rằng, game chỉ cho phép ta giết 1 trong 2 người xuất hiện tại phân cảnh ‘Nỗi Lòng Con Tim’, nghĩa là nếu cốt truyện phát triển theo tình huống xấu nhất, thì người chơi sau khi hoàn thành phân cảnh ‘Nỗi Lòng Con Tim’ vẫn còn ít nhất 2 người sống sót.

Và bây giờ ta đến với nhánh rẽ khác của kết truyện đó là ‘Tràn Ngập’, diễn ra khi và chỉ khi Alex chết ở hồi 2 hoặc Alex quyết định đi tìm máy phát điện. Phân cảnh ‘Tràn Ngập’ này nó còn có hai nhánh rẽ khác, mình sẽ tạm gọi là ‘Tràn Ngập 1’ và ‘Tràn Ngập 2’. ‘Tràn Ngập 1’ diễn ra khi nhân vật mình điều khiển bản điện ảnh (Theatrical Cut) chọn ‘Lùi Lại’, và hệt như ‘Nỗi Lòng Con Tim’, game chỉ cho ta giết 1 trong 2 nhân vật trong phân cảnh này. Vì thế, suy xét theo tình huống xấu nhất thì người chơi sau khi hoàn thành phân cảnh ‘Tràn Ngập 1’ vẫn còn ít nhất 1 người sống sót - và người đó cũng chính là người sống sót sau cuộc đụng độ với Junior. Nhưng trong ‘Tràn Ngập 2’ (diễn ra khi nhân vật mình điều khiển trong bản điện ảnh chọn ‘Tấn Công’, thì cả hai nhân vật đều có thể bị Olson giết, đây là phân cảnh kết truyện duy nhất cho phép chúng ta giết hết mọi nhân vật. Ngoài ra tại cắt cảnh hồi kết của game, người có thể chết sẽ là Julia nếu cô không chịu giảm áp và chọn uống bia tại hồi 1, hoặc tất cả những người còn sống đều bị quân đội bắn chết nếu cả đám đã làm mất nắp bộ chia điện và Conrad không chọn trốn thoát bằng tàu ca nô.

Tóm gọn lại thì, nếu như bạn muốn giết hết 5 nhân vật trong Man of Medan thì ta có 3 cách:
Cách 1: Đừng để Conrad trốn thoát bằng ca nô. Phá hỏng nắp bộ chia điện. Và thông báo cho quân đội biết tên chính xác của con tàu. Lúc đấy người nào chưa chết đều sẽ bị quân đội bắn thủng người.
Cách 2: Để Julia bị bệnh giảm áp, và để cô là người duy nhất sống sót tới cuối game. Yêu cầu cần phải mở phân cảnh kết truyện là ‘Tràn Ngập’ (1 hay 2 đều được) vì ‘Nỗi Lòng Con Tim’ luôn luôn kết thúc bằng việc còn ít nhất 2 người sống sót.
Cách 3: Có cơ hội nào xử trảm nhân vật thì xử hết luôn, và mở phân cảnh kết là ‘Tràn Ngập 2’ để xử luôn 2 người còn lại.

Vậy là ta xong Man of Medan rồi. Nó dài như thế là vì đây là con game có nhiều rẽ nhánh nhất mà Supermassive từng làm ra.


2. Little Hope


Angela chính là người đầu tiên được đưa vào sổ tử ngay tại hồi 1, phân cảnh ‘Giao Thoa’ (The Crossing), nơi cô sẽ chạm mặt với con quỷ của mình, Angela có khả năng chết ngay tại phân cảnh này hoặc trốn thoát được. Do Little Hope có vài plot armor khá là dày nên Angela được Supermassive ưu ái - không ai trong nhóm 4 người còn lại có thể chết cho đến tận phân cảnh cuối hồi 2, vậy nên cả hồi 2 cần suy xét đến 2 việc đó là:

a) Angela đã chết hay chưa

b) Tăng độ kịch tính cho câu chuyện

Vì thế ngay tại phân cảnh ‘Lạc Lõng’ (Lost), Angela (nếu còn sống) sẽ bị một con quỷ kéo xuống đường cống ngầm. Vì Angela có tên trên sổ tử, nên nếu người chơi thất bại nhiều QTEs thì Angela sẽ chết. Nhưng cũng ngay tại phân cảnh nêu trên, dàn biên kịch của Little Hope lại lộ ra bản tính lười biếng, vì dù Angela có sống sót qua ‘Lạc Lõng’ hay không thì cô cũng sẽ biến mất tăm xuyên suốt hồi 2 luôn. Thay vì động não suy nghĩ để viết thêm những phân cảnh có Angela vào hồi 2, thì Supermassive quyết định cho cô tan vào hư vô (hay nói cách khác là ra chuồng gà).

Phần còn lại của hồi 2 diễn ra khá là suôn sẻ cho tới phân cảnh ‘Bao Vây’(Surrounded), khi nhóm 4 người John, Andrew, Taylor và Daniel đối đầu với hai con quỷ ngay tại nhà thờ. Ngay đây, thêm 2 nhân vật sẽ được đưa vào sổ tử đó là: Taylor và Daniel. Và cũng từ đây, ta sẽ bắt gặp kha khá những trường hợp ‘nghẽn cổ chai’.

‘Bao Vây’ gồm hai phân đoạn:
Phân đoạn thứ nhất là Daniel đối đầu với con quỷ của mình. Cái chết của Daniel bị ‘nghẽn cổ chai’ nếu Angela sống sót sau phân cảnh ‘Giao Thoa’, lúc này John sẽ xông tới và cứu Daniel khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên nếu Angela chết ngay tại phân cảnh ‘Lạc Lõng’ thì cái chết của Daniel vẫn bị ‘nghẽn cổ chai’, chẳng gì thay đổi, tại sao ư, do ả Supermassive lười.
Phân đoạn thứ hai là Taylor lựa chọn đi sang trái hay phải, nếu chọn sai thì cô sẽ phải đối đầu với con quỷ của mình. Taylor có thể chết ngay tại đây, tuy nhiên sẽ bị ‘nghẽn cổ chai’ nếu như Daniel đã chết trong phân đoạn trước đó. Game muốn ít nhất 1 trong 2 người là Taylor hoặc Daniel sống cho phân cảnh tiếp theo, vì sao thì tý nữa mình giải thích.

Nói tóm lại, nếu Daniel đã chết thì khi Taylor chạm mặt con quỷ, cô sẽ được Andrew giải cứu.

Tiếp theo ta đến ‘Nản Lòng’ (Low Point) cũng là phân cảnh cuối của hồi 2. Nếu Angela còn sống thì cô sẽ xuất hiện trước mặt nhóm nhân vật, cô có thể bị Andrew tưởng nhầm thành quỷ và bị anh bắn chết. Đó chính là lý do tại sao chỉ Daniel hoặc Taylor chết ngay bên ngoài nhà thờ, như vậy sẽ thỏa mãn được luật 2. Đội ngũ biên kịch đã suy xét tới việc người chơi có khả năng sẽ bắn chết Angela. Tiếp đó, phân đoạn Taylor và Daniel bị hai con quỷ tấn công chỉ diễn ra khi Taylor và Daniel đều còn sống. Hoặc là cả hai đều có thể chết ngay tại phân cảnh này khi Angela còn sống nhằm để thỏa mãn luật 2. Nhưng nếu Angela đã chết, Taylor sẽ bị ‘nghẽn cổ chai’. Bằng một cách thần kỳ nào đó, cô luôn thoát khỏi sự truy đuổi của con quỷ. Còn Daniel thì sẽ có khả năng đi luôn ngay tại phân cảnh này.

Và thế là kết thúc hồi 2 với combo ít nhất 1 cặp trong số 3 người Angela/Taylor/Daniel sẽ chết.

Rồi giờ đến hồi 3, ta có ‘Suy Ngẫm’ - trận quyết chiến của Taylor và con quỷ. Taylor có thể chết ngay tại phân cảnh này, nhưng (lại) bằng một cách thần kỳ nào đó, nếu Daniel và Angela đã chết ở hồi 2, thì cô lại bị ‘nghẽn cổ chai’. Dù Taylor không hoàn thành bất kỳ QTEs nào hoặc John đã chọn nhầm đường, kể cả sau khi cô có đưa ra lựa chọn giải phóng tính cách xấu xí méo mó (Locked Traits) của mình hay không, thì Andrew luôn xuất hiện giải cứu cô khỏi con quỷ như một vị thần. Nói thật thì mình không biết tại sao Supermassive lại làm thế, vì những gì Taylor làm sau đó là nói thêm những câu phụ họa chứ chẳng đóng góp gì nhiều.

Tiếp đó là ‘Đổ Nát’ (Ruined), trận quyết chiến của Daniel. Daniel không bị ‘nghẽn cổ chai’ ở đây nên tùy theo việc chúng ta có hoàn thành QTEs hay không thì Daniel vẫn có thể chết. Khả năng lớn nhất là John và Andrew còn sống, nên nhằm thỏa mãn luật 3, cả hai chính thức được miễn tử cho đến cuối game.

Trước phân cảnh kết còn một phân cảnh gọi là ‘Gánh Nặng Cơ Cực’(Heavy Burden), John lẫn Angela (nếu còn sống) có thể bỏ mạng trong khi đối đầu với con quỷ của mình. Tuy nhiên, John sẽ bị ‘nghẽn cổ chai’ nếu như Angela, Taylor và Daniel đã chết trước đó nhằm thỏa mãn luật 3. Nếu bạn để ý thì đúng rồi đấy, Andrew và John có plot armor.

Và ta đến phân cảnh kết truyện ‘Xoay Vần’(Full Circle), Andrew cùng với Taylor/Daniel/Angela/John sẽ quyết định vận mệnh của Mary. Sau đó, ngoài Andrew, 4 nhân vật còn lại sẽ bị phán quyết nếu không giải phóng những ‘Locked Traits’ của mình. Hoặc nếu chọn giết Mary thì 4 người họ cũng chịu số phận tương tự. Như vậy đến cuối game, chỉ còn Andrew còn sống, nhưng vì đây đã là hồi kết nên luật 3 không còn quan trọng. Sau đó Andrew (nếu trước đó ta đã đưa ra những lựa chọn xấu, không khôn ngoan) cậu sẽ giơ súng lên và tự tử.

Thế là xong Little Hope, rẽ nhánh chẳng có bao nhiêu vì phần này có 2 nhân vật có plot armor là Andrew và John.


3. House of Ashes


Phần này khá là đơn giản vì tận 3 nhân vật có plot armor.

Eric chính là người đầu tiên đưa vào sổ tử tại phân cảnh ‘Chia Cắt’ (Breaking Up), vì chẳng ai có thể chết trong một quãng khá lâu nên anh có thể bị bắn chết ngay tại ‘Đình Chiến’ (The Truce) và ‘Tín Hiệu’ (Signal) nhằm tăng độ kịch tính cho câu chuyện. Và kéo dài tới tận ‘Đột Kích’ (Assault) và ‘Kinh Hãi’ (Horror) Rachel là người được đưa vào sổ tử tiếp theo, cô lẫn Eric có thể chết tại phân cảnh này, nào là đạp phải dây mìn, bị bọn ma cà rồng cấu xé,... Tuy nhiên có lưu ý là Rachel có thể bị biến đổi thành ma cà rồng hòng săn giết những người còn lại.

Và rồi kết thúc hồi 2, House of Ashes chẳng cần thèm để tâm cần phải làm gì để thỏa mãn luật 2, vì chỉ Eric và Rachel có thể chết trong 95% thời lượng của game. Còn Nick, Salim và Jason chỉ tận mạng cho tới tận 2-3 phân cảnh cuối game. Rồi trong hồi 3, Eric và Rachel sẽ bị game truy sát tới cùng, nào là bị Chiến Binh Cổ Đại (The Ancient One) giết, nào là Rachel tự tử,...

Đến ‘Hầm Kén’ (The Vault) thì Nick mới là người được đưa vào sổ tử tiếp theo, trong khi cậu đang tiếp cận hầm kén của bọn ma cà rồng, cậu có thể bị ma cà rồng cắn xé, hoặc bị Chiến Binh Cổ Đại bẻ cổ. Sau khi kết thúc ‘Hầm Kén’ thì Eric, Rachel và Nick có thể chết.

‘Nguyện Luôn Trung Thành’ (Semper Fi), Salim bị tách ra và Jason có lựa chọn nên quay lại cứu Salim hay không, tại phân cảnh này thì Salim và Jason mới có thể chết, tuy nhiên nếu Rachel, Eric và Nick đã chết trước đó rồi thì Salim và Jason đều bị ‘nghẽn cổ chai’ hòng thỏa mãn luật 3. Tại đây có một phân cảnh rất là hiếm đó là Rachel có thể bắn chết Salim khi đang đi thang máy, yêu cầu cần Salim bắn chết Eric và để Jason chết khi quay lại cứu Salim, và nếu Nick còn sống thì Rachel sẽ thẳng tay bắn chết Salim, nếu Nick chết thì nhằm thỏa mãn luật 3, Rachel chỉ đấm một cú vào Salim.

Và ta đến phân cảnh kết truyện đó là ‘Ánh Ban Mai’ (Daylight), phân đoạn đầu tiên khi cả nhóm đang chuẩn bị rời khỏi hang động, thì sẽ có hai người phải chiến đấu với ma cà rồng Clarice hoặc ma cà rồng Rachel, tuy nhiên vì còn phân đoạn sau nên tại đây chỉ cho phép chết 1 trong 2, còn nếu chỉ còn duy nhất hai người sống sót thì, phân đoạn này bị bỏ qua hoàn toàn bằng cảnh cả hai cắt dây chạy thoát. Và ta đến phân đoạn thứ hai là quyết chiến lúc nhật thực, ngay tại lúc này thì ai cũng có thể chết cả nếu thất bại QTEs.

Và thế là hết House of Ashes, game này plot armor dày đặc quá nên rẽ nhánh ai chết ra sao và cảnh diễn tiếp như nào cũng chẳng bao nhiêu.


4. The Devil in Me


Như luật 1, Erin là người đầu tiên vào sổ tử tại ‘Mất Điện’ (Black Out).

Hồi 2 bắt đầu bằng việc Erin bị bỏ rơi một mình, nhưng thay vì giống như trường hợp của Angela bị đội biên kịch cho ra chuồng gà, thì cô có hẳn một phân cảnh khác để chết, đó là ‘Tro Bạc’ (Silver Ash), và cũng như ‘Mất Điện’ cô có thể bỏ mạng ngay tại đây.

Tiếp đến là ‘Mồi Lửa’(Ignition), tại đây tùy theo lựa chọn, Charlie có thể bị thiêu sống. Trước khi đào sâu tiếp thì mình cần nói rõ rằng, Erin và Charlie là hai nhân vật được thiết kế để chết đầu game, nên cả hai đều không bị ‘nghẽn cổ chai’. Còn nhớ luật 2 chứ, là chỉ 2 nhân vật được chết ở hồi 2, thì The Devil in Me đã phá vỡ luật đó bằng cách cho con số đó tăng lên 3. Vì thế nếu bạn đã lỡ giết Charlie và Erin sớm thì đừng lo, còn cơ hội để xử thêm một người nữa. Hồi 2 tiếp tục bằng phân cảnh ‘Tắt Thở’(Breathless), Erin có thể chết tại đây; hoặc ‘Giải Phẫu’(Surgery) nếu Erin đã chết trước đó. Phân cảnh này cho ta thấy xác của Erin bị Du’Met mổ xẻ và ‘tái tạo’.

Kế đến là ‘Máy Nghiền Rác Thải’ (Waste Disposal), chỉ diễn ra nếu Charlie còn sống, nên phân cảnh này cũng là phân cảnh thứ 2 mà Charlie có thể chết. Bây giờ chúng ta đã đến phân cảnh kết của hồi 2, đó là ‘Phòng Điều Hành’ (Director’s Suite). Ngay tại thời điểm này, có khả năng Erin và/hoặc Charlie bị giết, trong khi Mark, Jamie và Kate đều sống khỏe. Nhưng phần hay bắt đầu, Kate và Jamie được đưa vào sổ tử, và cả hai có một chiếc ô plot armor. Kate và Jamie, 1 trong 2 có thể bỏ mạng ngay tại đây, vì game luôn tính tới tình huống xấu nhất là Charlie và Erin đã chết, nên số người chết chỉ chứa thêm nổi 1 người nữa thôi. Phân cảnh ‘Phòng Điều Hành’ diễn ra rất bình thường tự nhiên. Trong lúc Jamie đang làm mồi nhử, cô có thể bị Du’Met giết, hoặc Kate và Jamie bị nhốt trong cái bẫy kính, lúc này 1 trong 2 sẽ có khả năng tạch.

Trước khi tiếp tục phân tích hồi 3, có lẽ mọi người đã để ý rồi, Mark có plot armor, cậu không thể chết cho tới cuối game, và tối đa số người chết là 3, tổ hợp của Erin/Charlie/Jamie hoặc Erin/Charlie/Kate. Ngay từ lúc này, chiếc ô plot armor được xử lý khá là lạ. Nếu Kate chết trước đó thì đột nhiên mọi cảnh chết của Jamie tại hồi 3 đều bị ‘nghẽn cổ chai’ (nếu suy xét theo ý định của Du’Met thì rất là kỳ lạ khi gã lại tha cho Jamie tới tận cuối game). Từ sau phân cảnh ‘Phòng Điều Hành’ cho đến cuối game, Kate không thể chết. Cho nên dù Jamie có xảy ra chuyện gì thì Kate vẫn có thể sống tới tận phân cảnh kết truyện.

Bắt đầu hồi 3 nhanh nào, tại phân cảnh ‘Rượt Đuổi’(Chase), ‘Mê Cung’(Maze) và ‘Nhà Gỗ’(Homestead), Jamie có 3 tình tiết dẫn đến cái chết, còn Erin thì có 1.
Tại phân cảnh ‘Vách Đá’ (Cliffside), Charlie có thêm 2 khả năng bị giết.

Và sau ‘Đoàn Tụ’ (Reunion), ta đến phân cảnh kết truyện của game này. Cũng giống Man of Medan (vì cùng đạo diễn), The Devil in Me có tận 2 phân cảnh kết truyện. Kết truyện mặc định là ‘Hồ’ (Lake), những người còn sống sẽ chạy thoát bằng tàu và đối đầu với Du’Met. Tại phân cảnh này, ai cũng có thể chết kể cả Mark vì plot armor của cậu cuối cùng cũng tan biến. Phân cảnh kết truyện thứ hai đó là ‘Tối Hậu Thư’ (Ultimatum), phân cảnh này xảy ra khi chỉ còn Kate và Mark sống sót. Với việc Mark không thể chết cả game, còn Kate chỉ có thể chết tại ‘Phòng Điều Hành’ thì việc mở ra phân cảnh này khá dễ, chúng ta chỉ cần giết Erin, Charlie và Jamie trong vô vàn mấy cách chết khác nhau của nhóm 3 người này. Thêm việc Kate chọn 'Giúp Mark' thay vì 'Điều Tra Tiếng Động', thì ta sẽ đạt được phân cảnh ẩn này. Nếu như bạn mở được ‘Tối Hậu Thư’, thì ai cũng chết cả rồi, ta không thể cứu được Mark và Kate dù cho có chọn giúp hoặc mặc kệ Du’Met đi chăng nữa, vì gã không có ý định buông tha cho cả hai.

Như vậy là đã xong The Devil in Me, vừa đơn giản nhưng cũng có sự rẽ nhánh về plot armor đáng kể hơn so với Little Hope và House of Ashes


III. Tổng kết


1. Game có rẽ nhánh plot armor nhiều nhất:

Top 1: Man of Medan

Top 2: The Devil in Me

Top 3: Little Hope

Top 4: House of Ashes


2. Người nắm giữ plot armor dày nhất

Top 1: Andrew (chỉ có thể chết ngay tại hồi kết của game)

Top 2: Mark (chỉ có thể chết ngay tại phân cảnh kết truyện của game)

Top 3: John, Jason, Salim (20 phút cuối game)

Top 4: Nick (gần cuối hồi 3)

Top 5: Alex, Julia, Jamie, Kate (ngay cuối hồi 2)

Top 6: Daniel, Taylor, Rachel (gần cuối hồi 2)

Top 7: Fliss, Brad, Charlie (giữa hồi 2)

Top 8: Conrad, Angela, Eric, Erin, (cuối hồi 1)


3. Ai thay thế ai?

Với những nhân vật được thiết kế để chết sớm, thì thường sẽ có nhân vật thay thế những phân cảnh cần sự xuất hiện của họ
  • Fliss và Alex thay thế Conrad trong Con Tàu Bỏ Hoang, Mắc Bẫy và Trốn Thoát)
  • Fliss và Brad thay thế lẫn nhau nếu người kia chết trong Cô Nàng Quyến Rũ
  • Conrad thay thế Alex hoặc Julia/Fliss trong Boong Lộ Thiên và Tín Hiệu Cầu Cứu
  • Tất cả nhân vật trong Man of Medan thay thế lẫn nhau xuyên suốt hồi 3
  • Andrew thay thế Angela trong Lạc Lõng và Gánh Nặng Cơ Cực
  • John thay thế Daniel trong Suy Ngẫm và Đổ Nát
  • Nick thay thế Eric trong Đột Kích, Kinh Hãi và Chiến Binh Cổ Đại
  • Jason thay thế Rachel trong Niên Kỷ Lạ Thường
  • Mark thay thế Charlie trong Vách Đá
  • Kate và Jamie thay thế lẫn nhau nếu người kia chết trong xuyên suốt hồi 3
  • Không ai thay thế Erin lẫn Taylor nếu hai người chết sớm, những phân cảnh cần sự xuất hiện của họ đều bị bỏ qua
4. Tại sao lại có bài phân tích này?

(Vì mình rảnh)

Nhằm để cho mọi người có cái nhìn tổng quan về cách Supermassive thiết kế từng phân cảnh nên rẽ nhánh như nào khi nhân vật A đã chết trước đó.

Nhằm để giúp mọi người đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn cho 4 game sau của phần 2. Ví dụ như trong The Devil in Me, tại phân cảnh ‘Khó Thở’ khi Kate và Erin đều bị giam trong buồng chân không, và ta có lựa chọn ‘Giết Kate’ hay ‘Giết Erin’. Nhìn thoáng qua thì đây hẵn là lựa chọn 50-50 phải không? Nhưng không, ngay thời điểm đó ta sẽ dễ dàng nhận ra Erin chính là người vào sổ tử đầu tiên (bằng việc xem điềm báo Nhát Đâm đã tìm được trước đó). Do cô đã có tên vào trong sổ tử, nên Erin có thể chết ở bất cứ phân cảnh nào có sự xuất hiện của cô, trong khi đó Kate chẳng hề có tên trong sổ tử, và đây cũng là lần đầu tiên Kate vào tình thế hiểm nguy nữa. Bằng những suy luận trên, để cứu cả hai thì Jamie buộc phải chọn giết Kate. Ta chỉ cần vận dụng logic từ những luật mình đã ghi ở trên để có thể đưa ra lựa chọn đúng, có thể những game sau này sẽ có những phân cảnh tương tự như đây, thì mình chỉ cần áp dụng logic vào thì việc cứu cả 5 là dễ như ăn bánh.


Và thế là hết. Cảm ơn mọi người đã đọc. Bạn có thể tải bản Việt Hóa đủ 4 phần tại đây
 
Top